Chất psychedelic tìm thấy trong “nấm ma thuật” với khả năng gây ảo giác đã được các nhà khoa học chứng minh đem đến hiệu quả tốt trong việc điều trị lo âu, trầm cảm ở bệnh nhân ung thư
Nấm ma thuật
Nấm ma thuật là còn có tên gọi khoa học là nấm Psilocybe mọc phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới như Bắc Mỹ, Mexico, Nam Mỹ, bán đảo Scandinavia và một số vùng thuộc châu Á. Cây nấm này có chiều cao khoảng 5-12cm, mũ nấm có đường kính từ 1-2cm, màu nâu vàng, oliu xám, khi khô mũ nấm chuyển sang màu vàng rơm. Mũ nấm hình nón hoặc chóp nhọn, phủ một lớp bọc nhầy trong. Cuống nấm dài và mỏng từ 5-12cm x 0,2cm có màu như mũ nấm, cũng có khi màu xanh lục hoặc xanh lam. Thịt nấm màu nâu nhạt, mùi như mùi củ cải, vị nhạt, mọc ở nơi có nhiều vi khuẩn như phân bò, cỏ mục hay gỗ mục. Nấm ma thuật mọc ở khắp mọi nơi trên thế giới, được phát hiện và sử dụng từ thời cổ đại trong cả mục đích giải trí và tôn giáo. Những năm gần đây, các nhà khoa học phát hiện hợp chất Psilocybin có trong nấm ma thuật hứa hẹn mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh nhân trầm cảm nặng không đáp ứng được với các liệu pháp khác.
Các nghiên cứu khoa học
Các nghiên cứu về tác dụng của Psilocybin đã được tiến hành từ những năm 1950 đến những năm 1970 sau chiến dịch đàn áp quy mô lớn về việc cấm sử dụng ma túy. Tuy nhiên sau đó, nghiên cứu về nấm ma thuật ngừng lại trong đầu thập niên 70 sau khi Psilocybin được phân loại vào chương trình thuốc loại 1, có nghĩa thuộc danh sách loại thuốc bất hợp pháp và cấm sử dụng trong y tế. Cho đến những năm gần đây, nhiều nghiên cứu về Psilocybin được tiến hành lại.
TS. Stenphen Ross thuộc Đại học New York và TS. Roland tại Đại học Johns Hopkins cùng các đồng nghiệp nghiên cứu về tác dụng của cây nấm ma thuật đối với những bệnh nhân ung thư mắc trầm cảm kháng trị. Nghiên cứu tại Đại học New York với sự tham gia của 29 bệnh nhân, tại Đại học Johns Hopkins với sự tham gia của 51 bệnh nhân. Trong cả hai nghiên cứu này các bệnh nhân được chia nhóm ngẫu nhiên dùng Psilocybin hoặc giả dược. Kết quả cho thấy ở cả hai nghiên cứu, điều trị Psilocybin đều hiệu quả hơn so với giả dược. Cụ thể, trong nghiên cứu của Đại học New York, 83% người tham gia đều giảm các triệu chứng trầm cảm sau 7 tuần điều trị bằng Psilocybin so với 14% những người dùng giả dược. Những bệnh nhân này cũng cho biết chất lượng cuộc sống của họ được cải thiện đáng kể, ít xuất hiện các triệu chứng lo lắng, trầm cảm. Trong nghiên cứu tại Đại học John Hopkins, 67% người tham gia cho biết họ đã trải nghiệm được sự thay đổi trong cách nhìn nhận thế giới theo chiều hướng tích cực hơn sau thời gian dùng nấm ma thuật.
Hướng đi trong tương lai
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 350 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi chứng trầm cảm, rối loạn với các đặc trưng: mất hứng thú hoặc niềm vui, mệt mỏi, xem thường giá trị bản thân, ngủ không ngon, mất cảm giác ngon miệng và kém tập trung. Có nhiều biện pháp chữa trị căn bệnh này, tuy nhiên có khoảng 20% bệnh nhân không đáp ứng việc dùng thuốc hay điều trị tâm lý và 20% này được xếp vào nhóm trầm cảm kháng trị. Do đó, việc phát hiện ra hợp chất Psilocybin trong nấm ma thuật sẽ là hướng đi mới, hiệu quả trong việc điều trị trầm cảm ở người mắc bệnh ung thư. Theo các chuyên gia tâm lý, ngay từ khi phát hiện ung thư, các bệnh nhân thường có biến chuyển tiêu cực trong tâm lý và nhanh chóng chuyển sang trạng thái lo lắng cao độ dẫn tới trầm cảm, thậm chí có nguy cơ tự sát cao.
Theo các nhà khoa học, chất Psilocybin tác động vào thần kinh bằng cách phá vỡ mạng lưới thông tin liên lạc bình thường của não cho phép kết nối các vùng não vốn không tương tác với nhau. Điều này sẽ dẫn đến hưng phấn, ảo giác và thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, hợp chất này cũng gây ra một số tác dụng phụ như lo lắng và hoang tưởng, do đó các nhà khoa học đang tiếp tục tìm hiểu việc sử dụng Psilocybin như thế nào mang lại hiệu quả cao nhất, đồng thời tránh được các tác dụng phụ.
TS. Jeffrey Lieberman, Trưởng khoa Tâm thần học của Đại học Columbia cho biết: “Mặc dù thử nghiệm sử dụng Psilocybin trong điều trị trầm cảm mang kết quả đầy hứa hẹn, tuy nhiên liều dùng tối ưu và tần suất dùng psilocybin vẫn chưa được đưa ra tiêu chuẩn. Đồng thời, đối tượng nghiên cứu cần nhân rộng ra nhiều nhóm người không chỉ với các bệnh nhân ung thư bị trầm cảm ngoài ra nghiên cứu cũng cần tiến hành ở nhiều khu vực địa lý khác nhau để thu được kết quả tổng quát”.
Nghiên cứu này được công bố trên số ra ngày 1/12 của Tap chí Psychopharmacology.
Quốc Cường
((Theo LS tháng 12/2016))
]]>